Vận tải biển quyết giữ ‘miếng bánh’ nội địa

Số lượng tàu nhiều hơn trong khi hàng hóa vận chuyển không tăng so với năm ngoái là lý do Cục Hàng hải kiến nghị tiếp tục bảo hộ đội tàu nội.

Cục Hàng hải Việt Nam vừa có văn bản đề nghị Bộ Giao thông Vận tải không cấp phép trở lại cho tàu nước ngoài tham gia chuyên chở container trên các tuyến nội địa.

Chủ trương này từng được đưa ra từ đầu năm 2013. Khi đó, quy định không nói thời hạn dỡ bỏ hay khẳng định sẽ kéo dài vô thời hạn. Điều này làm các hãng tàu nội luôn trong tình cảnh vừa chạy vừa thấp thỏm lo lắng "miếng bánh" có giá trị ước tính cả nghìn tỷ đồng mỗi năm sẽ bị san sẻ trở lại.

Mới đây, khi một loạt hãng tàu nước ngoài đề xuất được quay lại thị trường này thì ngành vận tải biển trong nước dường như “nín thở”. “Việc một số hãng tàu ngoại muốn tham gia vận tải nội địa trở lại, dù chỉ ở mức gom hàng và chở vỏ rỗng nhưng các doanh nghiệp nội đã rất hoang mang”, Phó giám đốc một hãng tàu container nội thừa nhận. Theo vị này, nhiều chuyến tàu của hãng, số tiền thu về từ gom hàng cho tàu mẹ và chở vỏ đã chiếm từ 40-50% doanh thu.

VST-1665-1396438703-5471-13966-1738-1775

Chính sách bảo hộ nội địa được kỳ vọng sẽ giúp vận tải biển Việt Nam tiếp đà phục hồi

Đại diện Công ty vận tải Biển Đông cũng cho biết, nhờ chủ trương cấm tàu ngoại, doanh nghiệp đã đưa hai tàu cho nước ngoài thuê về chạy nội địa. Thế nhưng, số chuyến tỷ lệ hàng hóa đạt trên 80% không nhiều. Vì vậy, một khi tàu nước ngoài quay trở lại thì e rằng công ty phải tính nước cho nước ngoài thuê trở lại, nếu không tàu chỉ có nước nằm bờ vì chạy sẽ lỗ.

Theo Cục trưởng Hàng hải – Nguyễn Nhật, chủ trương cấm tàu ngoại chạy nội địa đã cho kết quả tích cực. Hiện đội tàu biển nội đã đảm đương gần như 100% lượng hàng vận tải trong nước bằng đường biển. “Hơn nữa, điều này cũng khiến cho việc cơ cấu lại đội tàu theo hướng tăng trọng tải tàu container đã diễn ra nhanh hơn. Minh chứng là số tàu container chạy nội địa đã tăng từ 19 chiếc năm 2013 lên 30 tàu trong năm nay”, ông Nhật nói.

Do vậy, ông kỳ vọng nếu tiếp tục chủ trương hạn chế tàu ngoại thì quá trình tái cơ cấu đội tàu sẽ tích cực hơn. Bởi thực tế, tỷ trọng tàu container mới chỉ 3,5% tổng trọng tải, trong khi con số này của thế giới là 14%.

Phó cục trưởng Bùi Thiên Thu giải thích thêm, nói đội tàu Việt Nam đảm đương gần 100% là vì hiện quy định vẫn cho phép 4 tàu nước ngoài được gom và phân phối hàng xuất nhập khẩu cho tàu mẹ chính hãng. Ví dụ, Công ty TNHH Maerks Việt Nam có một tàu mẹ vào cảng Cái Mép - Thị Vải. Đi kèm đó có 2 tàu con của hãng được cấp phép chở vỏ container chính hãng và hàng xuất khẩu vào cảng này và cả trên tuyến Hải Phòng – Đà Nẵng – Quy Nhơn – Vũng Tàu – TP HCM.

Tuy nhiên, rà soát của cơ quan này lại phát hiện các tàu nói trên không hề gom và phân phối cho tàu mẹ tại cụm cảng Cái Mép – Thị Vải mà lại chở về TP.HCM. Do vậy, Cục Hàng hải kiến nghị Bộ Giao thông ngừng cấp phép vận tải nội địa đối với hãng tàu này.

Gần hai năm trước, khi chủ trương hạn chế tàu ngoại được đưa ra bàn thảo nhằm hỗ trợ ngành vận tải biển trong nước, đã không ít ý kiến lo ngại về tình trạng quá tải, ùn ứ hàng hóa và sự gia tăng giá cước do tàu nội độc quyền.

Cục trưởng Nguyễn Nhật cho biết, năng lực đội tàu nội không những đáp ứng đủ mà đến cuối năm 2014 vẫn còn dư thừa 20-30%. Cùng với đó, giá cước thời điểm này đã giảm đến 30% so với đầu năm. “Do vậy cần tiếp tục thực hiện quyền bảo hộ vận tải nội địa container để tạo điều kiện cho sự phục hồi đội tàu trong nước”, ông Nhật nhấn mạnh.

Đại diện Cục Hàng hải cũng khẳng định, việc bảo hộ quyền vận tải nội địa của quốc gia là hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế và pháp luật Việt Nam. Hầu hết các quốc gia đều bảo vệ nghiêm ngặt quyền này nhằm bảo vệ lợi ích kinh tế cũng như thúc đẩy ngành vận tải biển trong nước.

Chí Hiếu


Back to Top